Chia sẻ CHUYÊN ĐỀ: CHUYỂN DẠ SANH NON

  • Xin chào Khách !
    - Nếu đây là lần đầu tiên bạn đến với "Diễn đàn CHA MẸ NUÔI CON" hãy Đăng ký tài khoản.
    - Nếu đã có tài khoản bạn hãy Đăng nhập và tham gia giao lưu với các Cha mẹ trên Forum.
    - Bất kỳ hành vi SPAM nào bị phát hiện, BQT sẽ xóa ngay bài đăng và BAN tài khoản vĩnh viễn.
Lượt xem
418
CHUYÊN ĐỀ: CHUYỂN DẠ SANH NON


Mỗi lần sinh con là một lần bước qua cánh cửa nguy hiểm mà bất cứ bà mẹ nào cũng phải vượt qua, ngoài những chị em sinh đúng tuần thì có những trường hợp sanh non. Đây là trường hợp khá nguy hiểm và cần phải có sự chuẩn bị về kiến thức, cách đối phó để không tạo nên rủi ro, bất trắc. Cùng Bác sĩ Vương Đình Bảo Anh – Phó khoa Sản bệnh viện Từ Dũ tìm hiểu rõ hơn qua chuyên đề Chuyển dạ sanh non.

Bài viết được trình bày theo kiểu đối đáp để bạn có thể theo dõi dễ dàng hơn.



Hỏi: Thế nào là chuyển dạ sanh non?

Trả lời: Chuyển dạ là khi xuất hiện cơn gò tử cung đều đặn gây mở và xoá mỏng cổ tử cung. Nếu điều này xảy ra trước 37 tuần được gọi là “Chuyển dạ sanh non”.

Hỏi: Chuyển dạ sanh non được chẩn đoán ra sao?

Trả lời: Chuyển dạ sanh non được chẩn đoán chỉ khi nào cơn gò tử cung gây thay đổi ở cổ tử cung. Điều này được thực hiện tại cơ sở y tế, thông qua thăm khám âm đạo nhằm phát hiện sự biến đổi, có thể thực hiện vài lần với một chu kỳ thời gian nhất định, đồng thời với việc theo dõi cơn gò.

Ngoài ra, trong một số trường hợp có thể thực hiện một số xét nghiệm (PartoSure) hoặc siêu âm (chiều dài kênh cổ tử cung) tìm sự biến đổi của cổ tử cung, nhằm xác định xem tình trạng có cần nhập viện hay xử trí gì lập tức không.

Hỏi: Những yếu tố nguy cơ của sanh non bao là gì?

Trả lời: Những yếu tố làm tăng khả năng sanh non như sau:

- Có xuất huyết màng rụng (bóc tách quanh túi thai) hoặc tử cung căng giãn quá mức (đa thai, đa ối).

- Cổ tử cung bất thường (ví dụ: chấn thương, khoét chóp)

- Tử cung bất thường (ví dụ: tử cung 2 sừng, tử cung đôi, có vách ngăn, u xơ tử cung)

- Tiền căn viêm âm đạo, cổ tử cung

- Viêm nhiễm người mẹ (ví dụ: nhiễm trùng tiểu)

- Thay đổi hoc-mon mẹ (ví dụ: stress mẹ hoặc thai)

- Thiểu năng tuần hoàn tử cung – nhau (ví dụ: tăng huyết áp, đái tháo đường phụ thuộc insulin, lạm dụng thuốc, hút thuốc, rượu)

Khi có những yếu tố này, cần được theo dõi thai kỳ sát hơn và có thể được cung cấp những biện pháp dự phòng sanh non nếu cần thiết.

Hỏi: Các triệu chứng sanh non cần được chú ý và báo cho nhân viên y tế nhằm ngăn ngừa sanh non?

Trả lời: Đau lưng - thường là đau lưng dưới, không tự giảm đau dược khi đổi tư thế

Gò tử cung đều đặn mỗi 5 - 10 phút hoặc nhiều hơn

Co thắt bụng dưới tương tự như khi hành kinh

Trằn âm đạo hoặc cả vùng chậu

Ra dịch âm đạo nhiều hơn bình thường

Ra huyết âm đạo

Vỡ ối

Hỏi: Các từ ngữ thường được sử dụng trong quá trình theo dõi dấu hiệu của chuyển dạ sanh non?

Trả lời: “Có triệu chứng của sanh non” có các triệu chứng sanh non nhưng chưa được đánh giá qua thăm khám. Các sản phụ khi có nguy cơ của sanh non sẽ được hướng dẫn phát hiện các triệu chứng của sanh non và nhập viện khi cần thiết

“Nghi ngờ sanh non” – “Doạ sanh non”: có triệu chứng của sanh non và được đánh giá lâm sàng có khả năng sanh non cao, nhưng chưa chuyển dạ. Điều này cho biết tình trạng hiện tại có cần thiết nhập viện hay cần can thiệp gì thêm hay không.

“Sanh non được chẩn đoán” là sản phụ “nghi ngờ sanh non” và có thêm một số xét nghiệm cho thấy khả năng sanh non là rất cao trong vòng 1 tuần hay trước 34 tuần: cung cấp thêm thông tin, nhằm tư vấn và đề xuất kế hoạch theo dõi sát hơn trong thai kỳ.

“Chuyển dạ sanh non”: khi có sự xóa mở cổ tử cung với cơn gò tử cung đều đặn. Phần lớn sẽ sanh non trong vòng 24 giờ nếu không có can thiệp gì thêm.

Hỏi: Những yếu tố nào làm ảnh hưởng đến can thiệp trong dự phòng sanh non?

Trả lời: Những yếu tố ảnh hường đến quyết định can thiệp dự phòng sanh non gồm:

- Tiền sử sanh non hoặc sẩy thai từ 16 – 34 tuần

- Chiều dài kênh CTC ngắn (đo lúc 16 -24 tuần bé hơn 25 mm)

- Tiền sử ối vỡ trên thai non tháng trong thai kỳ lần trước

- Tiền căn chấn thương cổ tử cung

Hỏi: Các phương pháp can thiệp dự phòng sinh non?

Trả lời: Một số can thiệp hiện tại thường được sử dụng để dự phòng sanh non gồm:

- Sử dụng progesterone: nội tiết được sử dụng ngả âm đạo, uống hoặc tiêm

- Khâu cổ tử cung: cổ tử cung được khâu chặt bằng chỉ tại viện (14-20 tuần), nhằm tránh hiện tượng cổ tử cung mở ra quá sớm.

Một số trường hợp có thể dùng vòng nâng cổ tử cung hỗ trợ trong dự phòng doạ sanh non.

Lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc rất nhiều yếu tố: bệnh lý của mẹ, tuổi thai, tình trạng thai và cổ tử cung và các yếu tố kể trên. Do vậy việc lựa chọn phương pháp nào là dựa trên đề xuất của nhân viên y tế sau khi cân nhắc các yếu tố đó và đồng thuận của sản phụ sau khi được tư vấn.

Hỏi: Cách tự xác định cơn gò tử cung?

Trả lời: Xác định được có cơn gò tử cung là chìa khoá nhận biết được chuyển dạ:

- Đặt các đầu ngón tay lên bụng, vùng gần rốn (thai từ 18 – 20 tuần trở lên) để cảm nhận tử cung

- Nếu cảm giác thấy tử cung cứng lại và mềm ra, đó là cơn gò

- Ghi lại thời gian bắt đầu gò (cứng) và thời gian của con gò tiếp theo

- Nghỉ ngơi, thư giãn, đi lại nhẹ nhàng, uống 2 – 3 cốc nước – điều này có thể giúp giảm gò

- Cần gặp nhân viên y tế nếu vẫn tiếp tục thấy gò mỗi 10 phút hay nhiều hơn, hoặc gây đau.

Nên luôn nhớ rầng đôi khi có những cơn gò không phải chuyển dạ - Braxton Hicks: thất thường, không gần nhau, và ngưng khi đi lại hoặc nghỉ ngơi.

Hỏi: Trẻ sẽ có nguy cơ nào nếu sanh non? (trước 37 tuần)

Trả lời: Hiện tại toàn cầu cứ 10 trẻ sanh ra lại có 1 trẻ non tháng trước 37 tuần. Những trẻ này sanh ra nếu sống hầu như sẽ hoàn thiện dần, có thể bắt kịp một trẻ đủ tháng theo thời gian.

Tuy nhiên, những trẻ này sẽ sẽ có nguy cơ cao hơn do các vấn đề: tốc độ tăng trưởng chậm hơn, tiềm ẩn nguy cơ lâu dài ảnh hưởng trí tuệ, co giật, bệnh phổi, mắt, thính lực và tự kỉ. Nguy cơ sẽ cao hơn nếu tuổi thai càng nhỏ, đặc biệt trước 34 tuần.

Hỏi: Khi đã xác định tình trạng chuyển dạ sanh non, các bước điều trị và theo dõi tiếp theo gồm những gì?

Trả lời: Khi tình trạng sanh non diễn tiến và nhiều khả năng dẫn đến chuyển dạ thật sự, xử trí tiếp theo như thế nào phụ thuộc điều đó có mang lại lợi ích nào tốt nhất cho mẹ và bé hay không.

Trong một số trường hợp bé sẽ có lợi từ việc trì hoãn cuộc chuyển dạ, một số can thiệp có thể được áp dụng như:Corticosteroids, magiesium sulfat và thuốc cắt cơn gò.

Hỏi: Corticosteroids là gì?

Trả lời: Là thuốc chuyển qua nhau, giúp thúc đẩy sự trưởng thành phổi, não và hệ tiêu hoá. Từ những dữ liệu y học chứng cứ, corticosteroid hiệu quả thật sự trong tuổi thai từ 24 – 34 tuần. Tuy nhiên, 24 – 26 tuần được sử dụng hạn chế tuỳ trường hợp.

Hai thuốc nhóm này được sử dụng là betamethasone và dexamethasone.

Hỏi: Magiesium sulfate là gì?

Trả lời: Là thuốc được sử dụng khi tuổi thai bé hơn 32 tuần và có nguy cơ sanh trong vòng 24 giờ, giúp giảm nguy cơ bại não sau này. Thuốc được sử dụng bằng cách tiêm truyền vào mạch máu hoặc tiêm vào cơ, thường được duy trì không quá 24 giờ

Hỏi: Thuốc cắt cơn gò là gì?

Trả lời: Là thuốc giúp trì hoãn cuộc chuyển dạ trong một khoảng thời gian ngắn ( tới 48 giờ), nhằm giúp corticosteroids hoặc magiesium sulfate phát huy tác dụng, hoặc đợi chuyển tuyến có cơ sở nhi khoa phù hợp.

Các thuốc cắt cơn gò thường được sử dụng (được sử dụng trong bệnh viện): Nifedipine và Atosiban.

BS CKII Vương Đình Bảo Anh – Phó trưởng khoa Sản BV Từ Dũ

Tài liệu tham khảo:

- Preterm labour and birth – NICE guideline NG25 12/2015

- Inducing labour – clinical guideline CG70 07/2008, có bổ sung cập nhật 01/07/2013

- ACOG patient FAQ, với từ khoá “Labour induction” và “Preterm labour”

- Health & Pregnancy Health Center

Tải Ứng Dụng Tư Vấn Sức Khỏe – GlobeDr: Tại Đây
 

Bạn nên xem thêm

Liên hệ quảng cáo